Bối cảnh Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII

Định hướng chung

Việt Nam định hướng đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trước ngày lễ Quốc khánh Việt Nam 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết với tiêu đề "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" đăng trên báo Nhân dân.[3] Trong đó nêu ra các định hướng cho Đại hội 13. Tóm lược lại có các định hướng quan trọng nhất là:

  • Phấn đấu để đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các mục tiêu quan trọng nhất là:
    • Đến năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;
    • Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;
    • Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
  • Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà Đại hội đề ra là cơ sở để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước. Cụ thể:
    1. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, ..., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước;
    2. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở nhận thức đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước;
    3. Thực hiện đúng, đầy đủ vấn đề quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích trong xã hội. Xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội;
    4. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại; xây dựng nền ngoại giao hiện đại vì lợi ích quốc gia – dân tộc, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa;
    5. Tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đại hội đại biểu các cấp

Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, các tỉnh, thành phố và tổ chức Đảng trực thuộc trung ương phải hoàn thành tổ chức đại hội các cấp, bầu ra ban chấp hành đảng ủy khóa mới và Bí thư Đảng ủy các cấp. Đại hội cấp cơ sở đồng thời đề cử đại biểu tham dự Đại hội của cơ sở Đảng trên một cấp, theo trình tự từ thấp lên cao. Về trình tự thời gian, Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở bắt đầu từ 2019, cho dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo Chỉ thị 35-CT/TW[4] ngày 30 tháng 5 năm 2019, thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp được quy định như sau:

  • Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở không quá 2 ngày; bắt đầu từ tháng 4 tháng 2020, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2020;
  • Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày; hoàn thành trước ngày 31 tháng 8 năm 2020;
  • Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31 tháng 10 năm 2020.

Từ tháng 9 năm 2020 tiến hành Đại hội đảng các Đảng bộ trực thuộc Trung ương.

  • 21 tháng 9 năm 2020 – Hà Nam là tỉnh đầu tiên tiến hành đại hội Đảng cấp tỉnh: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020–2025 đã khai mạc, và đây là địa phương đầu tiên tổ chức đại hội Đảng bộ cấp tỉnh;
  • 26 tháng 9 năm 2020 – Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh: Ông Nguyễn Xuân Ký tái đắc cử bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông Ký 48 tuổi, quê tại xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là một cán bộ có quá trình công tác lâu năm tại Quảng Ninh với trình độ chuyên môn thạc sĩ quản trị kinh doanh;
  • 28 tháng 9 năm 2020 – Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI: Đại hội có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI;
  • 28 tháng 9 năm 2020 – Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai. Ông Hồ Văn Niên tái đắc cử bí thư tỉnh ủy Gia Lai. Ông Hồ Văn Niên (45 tuổi), người dân tộc Ba Na, trú tại Gia Lai, là cử nhân luật;
  • 1 tháng 10 năm 2020 – Đại hội Đảng bộ Bình Phước: 350 đại biểu dự đại hội Đảng bộ Bình Phước từ ngày 1 đến 3 tháng 10 năm 2020.

Dự thảo văn kiện Đại hội

Phần này đang còn trống. Bạn có thể giúp đỡ bằng cách phát triển nó.

Công tác nhân sự

Phần này đang còn trống. Bạn có thể giúp đỡ bằng cách phát triển nó.

Các điều động, luân chuyển nhân sự trước Đại hội XIII

Hà Nội

Ngày 7 tháng 2 năm 2020, ông Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thôi tham gia Ban cán sự đảng Chính phủ; được điều động, phân công tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015–2020. Trong khi người tiền nhiệm của ông là ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công làm Phó trưởng bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII.

Đến ngày 18 tháng 9 năm 2020, Bộ Chính trị quyết định ông Chu Ngọc Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015–2020. Sau đó 7 ngày, HĐND thành phố đã bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung và bầu ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch Hà Nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cuối tháng 4 năm 2019, Ban Bí thư chỉ định ông Lê Quang Mạnh, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ chức Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ.

Tháng 6 năm 2019, HĐND TP Cần Thơ bầu ông Mạnh làm Chủ tịch thành phố. Tại Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ cuối tháng 9, ông Mạnh được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Lê Quang Mạnh năm nay 46 tuổi, quê Hà Nội, tiến sĩ kinh tế.

Đầu tháng 3 năm 2020, Ban Bí thư chỉ định thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Đức Trung (46 tuổi, quê Thanh Hóa, thạc sĩ kinh tế) tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhiệm kỳ 2015–2020. Ông Trung sau đó được HĐND tỉnh Nghệ An bầu làm Chủ tịch tỉnh.

Tháng 8 năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng (45 tuổi, Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế) được Bộ Chính trị điều động, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhiệm kỳ 2015–2020. Trước đó, ông Hoàng Đăng Quang thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình để làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tính từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 10 năm 2020, Bộ Giáo dục Đào tạo đã có thêm ba Thứ trưởng. Ngày 13 tháng 2 năm 2020, ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (52 tuổi, tiến sĩ ngữ văn), được điều động làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 9 tháng 9 cùng năm, bà Ngô Thị Minh, (56 tuổi, quê Quảng Ninh; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội) được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Thứ trưởng thứ ba vừa được bổ nhiệm hôm 2 tháng 10 là ông Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Các bộ ngành khác

Bộ Lao động Thương binh Xã hội có thứ trưởng Lê Quân (46 tuổi, quê Quảng Ngãi, giáo sư, tiến sĩ khoa học quản lý) được Ban Bí thư chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy. Đầu tháng 9, HĐND tỉnh đã bầu ông Lê Quân giữ chức Chủ tịch tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2016–2020.

Các tỉnh thành khác

Đầu tháng 7 năm 2020, ông Quản Minh Cường – Phó Ban Tổ chức Trung ương (51 tuổi, quê Lào Cai, tiến sĩ) được Ban Bí thư chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ, giữ chức phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015–2020.

Tháng 8 năm 2020, Ban Bí thư chỉ định ông Đặng Ngọc Huy (45 tuổi, quê Hà Nội, thạc sĩ Luật), Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ chức Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Vị trí lãnh đạo Ninh Bình thay đổi hồi tháng 4, khi bà Nguyễn Thị Thanh – Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Sau đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, luân chuyển về kế nhiệm bà Thanh. Bà Thu Hà năm nay 50 tuổi, quê Ninh Bình, là PGS tâm lý học.

Tại Kon Tum, vào ngày 30 tháng 5, Ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết định ông Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum để về công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Dương Văn Trang – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai và được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhiệm kỳ 2015-2020.

Cũng trong tháng 5 năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên được điều động giữ chức Phó Ban Tuyên giáo Trung ương. Sau đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã bầu ông Ngô Đông Hải – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Tại Thái Nguyên, sau khi ông Trần Quốc Tỏ – Bí thư Tỉnh ủy được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Công an, Bộ Chính trị đã điều động bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy thay ông Tỏ.

Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm, ông Dương Thanh Bình – Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, được bầu làm Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; giữ chức Trưởng Ban Dân nguyện thay bà Nguyễn Thanh Hải.

Trong tháng 7 năm 2020, bốn cán bộ ở địa phương được điều động về Trung ương. Đầu tiên là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương giữ chức Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thay ông Dương.

Ngày 16 tháng 7 năm 2020, Bộ Chính trị điều động Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.

Ngày 23 tháng 7 năm 2020, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bộ Chính trị điều động ông Lê Quang Tùng – Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhiệm kỳ 2015–2020.

Ngày 29 tháng 7 năm 2020, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.

Tại Yên Bái, đại hội Đảng bộ tỉnh bầu ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh, làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới; sau đó, bà Phạm Thị Thanh Trà – nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Nội vụ hôm 24 tháng 9.

Cũng trong tháng 9, Thủ tướng bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Gần đây nhất, ngày 5 tháng 10, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Xây dựng. Sáu năm trước, ông Nghị từng giữ chức vụ này trước khi luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

Cùng ngày, Thủ tướng bổ nhiệm ông Trần Văn Sơn – Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII http://www.xinhuanet.com/english/2021-01/31/c_1397... https://www.abc.net.au/news/2021-02-01/vietnams-ru... https://www.swissinfo.ch/eng/vietnam-retains-top-l... https://www.aljazeera.com/news/2021/1/27/vietnams-... https://www.bangkokpost.com/world/2060127/vietnam-... https://www.channelnewsasia.com/news/asia/covid-19... https://www.france24.com/en/asia-pacific/20210131-... https://timesofindia.indiatimes.com/world/rest-of-... https://asia.nikkei.com/Politics/Vietnam-general-s... https://www.reuters.com/article/us-health-coronavi...